mô hình salon nào trong tương lai ?

09:41 09/10/2019

Việt Nam đang nổi lên nhiều “đại gia” trong ngành tóc – những NTM có tài năng kinh doanh và khẳng định được thương hiệu, con đường đi của riêng mình. Một số chuyên gia hàng đầu phía Bắc như Quốc Trung (Stars Academy) – chuyên gia đào tạo, cố vấn về quản lý kinh doanh trong salon tóc chuyên nghiệp tiêu chuẩn hóa, NTM Hoàng Minh Tâm, Nguyễn Hồng Phượng, Trịnh Thị Hậu và Phong Vân đã có buổi trò chuyện cùng HAIRWorld để thảo luận về các mô hình kinh doanh salon đang tồn tại ở Việt Nam và thế giới.

Qua đó, chúng ta có thể xem xem đâu là mô hình xu thế trong thời gian sắp tới, đồng thời có cái nhìn khách quan – đa dạng hơn, đặc biệt với các bạn trẻ/những người muốn bước vào thử sức ở lĩnh vực này.

banner ngang 15

Từ trái qua phải: NTM Hoàng Minh Tâm, NTM Hồng Phượng, NTM Trịnh Thị Hậu, NTM Phong Vân, Chuyên gia đào tạo Quốc Trung
Chuyên gia đào tạo (CGĐT) Quốc Trung: Mảng mà Quốc Trung nghiên cứu là mô hình quản lý kinh doanh. Với 8 năm đã tìm tòi, học hỏi ở thị trường Việt Nam, Quốc Trung muốn cùng mọi người nhận định về mô hình kinh doanh salon trong nước đang đi theo xu thế nào và chặng đường 3–5 năm sắp tới liệu có thay đổi gì không?

3 chủ đề mà chúng ta sẽ hướng đến là salon đi theo mô hình và định hướng kinh doanh về kỹ thuật, salon thương mại hóa và salon tóc kết hợp với spa. 3 mô hình này có thể phát triển trên cửa tiệm hoặc trên chuỗi. Việt Nam hiện có rất nhiều salon đơn lẻ. Trong khi đó, 1 năm trở lại đây, Trung Quốc đang hình thành mô hình những người thợ chính bước ra mở phòng làm việc kỹ thuật riêng, thường đặt trong văn phòng các tòa nhà cao tầng, gọi là cửa tiệm độc lập. Còn mô hình kỹ thuật cao cấp nhất là Rossano Ferretti (Italy), có khoảng 20 salon trên toàn thế giới, đặt ở những thành phố giàu có, phát triển nhất toàn cầu, như Bắc Kinh (Trung Quốc), Anh, Mỹ… Về mô hình salon kỹ thuật, tôi nhận thấy anh Tâm chính là linh hồn, là nhạc trưởng – người leader tạo nên và duy trì kỹ thuật – được coi như “trái tim” trong hệ thống của mình. Anh cũng từng đào tạo ra không ít học trò thành công, mở được salon riêng…

Chuyên gia đào tạo Quốc Trung (Stars Academy) cho rằng tính thời điểm là yếu tố quan trọng nhất khi xem xét mô hình kinh doanh salon

NTM Hoàng Minh Tâm (Tâm Loan Hair Dressing, 46 Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) : “Nếu bạn có ý định mở rộng mô hình thì đừng bao giờ làm một mình!”

NTM Hoàng Minh Tâm: Tôi là người công tác ở cả lĩnh vực đào tạo nữa nên tôi tâm đắc với việc phải có salon và salon đó phải thành công để làm hình mẫu cho mô hình giáo dục. Kinh doanh bằng salon chính là câu trả lời của tôi cho những thắc mắc kiểu như: “Vì sao người ta tìm đến bạn để học nghề?” –“Vì họ muốn giống bạn!”. Tôi không làm giáo dục cho bản thân mà cho công ty nên mỗi năm tiếp cận với hàng ngàn thợ làm tóc và nhìn nhận họ một cách rất chính xác vì đặc thù các chuyến đi từ trong Nam ra ngoài Bắc, dạy tại các địa điểm, cho các tầng lớp, với các khóa học khác nhau… Dù là mô hình nào thì điều quan trọng nhất là phải học hành cho thật chuyên nghiệp, bài bản. Nếu bạn không chuyên nghiệp thì không thể nào thành công. Bạn có thể nhìn thấy mô hình của nước ngoài “hái ra tiền” và muốn bắt chước nhưng chớ vội, bởi chất lượng nhân sự Việt Nam so với thế giới là hoàn toàn khác hẳn.

CGĐT Quốc Trung: Về salon thương mại hóa, có quy mô hàng đầu thế giới là Regis – hệ thống gồm 2.786 salon trên khắp thế giới và đã lên sàn chứng khoán. Hoặc Nhật Bản có chuỗi Assort gồm 3 cửa hàng: 1 ở Thủ đô Tokyo, 1 ở Hong Kong và 1 ở New York, nước Mỹ, chỉ phục vụ khách hàng có địa vị, là người nổi tiếng. Trung Quốc có rất nhiều chuỗi salon, còn mô hình này tại Việt Nam (số lượng 2–5 salon) chỉ mới hình thành khái niệm khoảng 2–3 năm trở lại đây. Mô hình salon thương mại hóa quy mô lớn sẽ ra đời trong những năm tới và nó là xu hướng dịch chuyển của thị trường, có thể do người nước ngoài đầu tư/thực hiện chứ không đơn thuần chỉ có người Việt Nam. Đồng thời, bản thân các chủ salon ở Việt Nam cũng đang bắt tay vào triển khai khi hợp tác với những đối tác bên ngoài (không phải là người làm kỹ thuật hay am hiểu về ngành tóc). Mặc dù lúc này chúng ta chưa biết được tính thành – bại nhưng thực tế thì xu thế này đang tiếp tục.

NTM Trịnh Thị Hậu luôn có lòng tin và mong muốn nhân rộng mô hình – kỹ thuật của Hậu Hair Salon (35 Trần Phú, Ngô Quyền, Hải Phòng) ra thành đa điểm

NTM Trịnh Thị Hậu: Tôi thì thật lòng chưa biết tương lai có làm được hay không nhưng ngoài mơ ước ra thì bản thân tôi luôn có lòng tin và mong muốn nhân rộng mô hình – kỹ thuật của mình ra thành đa điểm. Yếu tố mà tôi luôn đặt lên hàng đầu là chất lượng sản phẩm – dịch vụ.

Đồng thời, việc chọn mô hình gì và định hình cho con đường mình sẽ đi như thế nào cũng vô cùng quan trọng. Nếu không nắm rõ kiến thức về quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, đào tạo… mà chỉ biết cắt tóc không thôi thì các bạn lấy đâu ra khả năng – kiến thức để có thể làm một người chủ? Nếu không trang bị được những nền tảng đó, lo được cho cuộc sống nhân viên của mình, tìm kiếm – phát triển được khách hàng… thì bạn chỉ có thể sống với một mình mình cùng 3 cái ghế… Ở Việt Nam, thợ làm tóc bình thường cũng rất dễ mở tiệm và đây là trở ngại lớn cho phương pháp hình thành nên hệ thống chuỗi.

NTM Phong Vân: Đứng ở vị trí người thợ kỹ thuật, tôi nghĩ rằng, khi ra nghề, lớp trẻ muốn làm chủ hoặc kinh doanh thành công như những người mình hâm mộ thì tối thiểu cũng phải hội tụ 3 điều kiện: tính chuyên nghiệp, kiến thức quản lý và khả năng tài chính. “Ngựa non háu đá”, nhiều bạn muốn làm thật lớn nhưng nội lực bản thân thì trống rỗng và tình hình đội nhóm – cộng sự thì có vấn đề… nên rất dễ bị ngã đau. Cách đây 3 năm, cơ sở của tôi có 5 nhân lực, thu về lợi nhuận 1 năm là xx đồng, giờ với 2 cơ sở và 40 đầu thợ nhưng lãi ròng cũng… vẫn thế! Điểm khác nằm ở chỗ quy mô salon hoành tráng hơn, lớn mạnh hơn nhiều so với trước. Cũng là một người trẻ nên tôi luôn cố gắng khẳng định, thể hiện bản thân, và tôi hiểu rằng mô hình lớn luôn là khát vọng của thế hệ mình. Có điều, cái mà chúng ta vấp phải là làm sao xây dựng được chất lượng dịch vụ và kỹ thuật trong salon thật  hiệu quả, chuyên nghiệp để không bị trào lưu combo hay các chiêu trò phá vỡ thị trường làm ảnh hưởng đến. Chỉ có thật sự chuyên nghiệp thì mới giữ chân khách hàng được bền lâu!

NTM Phong Vân (Phong Vân Hair & Beauty Salon; cơ sở 1: 54 Nguyễn Trinh Tiếp, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa; cơ sở 2:  lô 6, số 96 Lê Hoàn, TP. Thanh Hóa) nhận định: “Chỉ có thật sự chuyên nghiệp thì mới giữ chân khách hàng được bền lâu!”

CGĐT Quốc Trung: Với những thị trường có phạm vi nhỏ thì chỉ mở được 1 tiệm lớn/1 điểm chứ không thể mở chuỗi salon được. Nhiều khi, chuỗi là khái niệm của người trong ngành đặt ra thôi, chứ còn chủ salon thì không quan tâm lắm. Đơn giản, họ chỉ cần nhận diện thương hiệu và có niềm tin vào nó. Với salon kết hợp spa, mô hình này phát triển được một vài năm qua. Là người chủ đang trực tiếp kinh doanh, chị Phượng có thể chia sẻ thêm về mảng này?

NTM Hồng Phượng: Theo ý kiến chủ quan của tôi thì mô hình salon kết hợp spa sẽ khó phát triển hoặc phát triển cầm chừng tại Việt Nam. Từ cách đây 15 năm, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống spa đạt chuẩn rất tốt nhưng nhận ra mình thua là thua về tâm lý người tiêu dùng (NTD). NTD Việt Nam có định kiến về tính chuyên biệt/chuyên môn hóa. Họ cho rằng nơi này cung cấp dịch vụ salon tốt thì dịch vụ spa không thể tốt, và ngược lại, trong khi thực tế khác hẳn. Thực tế, chẳng phải ngẫu nhiên mà NTD trong nước bị đánh giá là tiêu dùng sản phẩm theo cảm tính, đánh giá thiếu logic và “chấm điểm” chất lượng dựa trên nhiều yếu tố hoàn toàn không liên quan/ảnh hưởng gì tới nhau. Vì thế, không chỉ tóc/spa mà một số ngành nghề cũng gặp thất bại ở Việt Nam mặc dù áp dụng công nghệ, kỹ thuật… vân vân… chuyên nghiệp từ nước ngoài.
NTM Hoàng Minh Tâm: Tại nước ta, đang có nhận định spa kiếm được nhiều tiền hơn nên nếu mô hình này thành công ở mảng spa thì người ta cho rằng salon chỉ mang mục đích khuyến mại, và ngược lại. Tôi nhớ ở nước Anh có thương hiệu của Avalon thuê hẳn 1 lâu đài cổ 3 tầng để làm dịch vụ, trong đó có 1 phòng chuyên về chăm sóc da. Khi nói chuyện, tôi được người quản lý cho biết nó là dịch vụ dưới dạng “chăm sóc khách hàng”/khuyến mãi thôi, chứ “con át chủ bài” của họ vẫn là salon tóc.
Tại Việt Nam, tôi có một người bạn lúc đầu kinh doanh mô hình tóc – spa kết hợp, sau đó spa phát triển mạnh quá thì anh ấy không còn làm salon nữa. Nếu phát triển được một mô hình khép kín gồm spa, tóc, make-up, nail, tận thu trên một khách hàng và toàn bộ salon thì quả thật là… không còn gì để nói nữa!
NTM Hồng Phượng: Vâng, thực sự thì yếu tố thị trường là vô cùng quan trọng vì thị trường sẽ quyết định tất cả. Điển hình, ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Ninh Bình, mô hình salon – spa (đúng ra là salon – thẩm mỹ viện) lại rất thành công. Đó là do tâm lý của NTD ở các địa phương có sự khác biệt so với HN, TP.HCM… Ở tỉnh lẻ ít có sự lựa chọn, khi đến salon làm tóc, tiện thể thấy sẵn dịch vụ spa, thẩm mỹ thì khách hàng lựa chọn làm luôn… Như vậy, có thể nói, kết quả mĩ mãn đó hoàn toàn không đi theo một công thức nào.

NTM Hồng Phượng (Hồng Phượng Hair & Beauty Salon, 73 Trần Quốc Toản, Hà Nội): “Theo ý kiến chủ quan của tôi, mô hình salon kết hợp spa sẽ khó phát triển hoặc phát triển cầm chừng tại Việt Nam…”

NTM Hoàng Minh Tâm: Nói đi thì phải nói lại, có thể các bạn trẻ chỉ nhìn vào những thành công, nhìn vào “những người còn sống” nên tâm lý rất lạc quan. Vậy thì tôi sẽ đưa ra câu chuyện này để tạo lại thế cân bằng. Người trong nghề hẳn luôn còn nhớ A.H – thương hiệu đình đám của Hàn Quốc nhảy vào TP.HCM cách đây 10 năm với vốn đầu tư 1 triệu USD. Họ thuê luôn khu đất ở đường P.N.T 50 năm, xây tòa nhà 6 tầng, có wifi, dịch vụ ăn trưa, thang máy, bếp nấu… Tất cả đều khép kín, thậm chí xây dựng hệ thống giáo dục – đào tạo riêng, và thời điểm ấy hút hết 50–100 thợ tóc của cả Sài Gòn. Mỗi chiếc gương đều lắp 1 camera giám sát, cùng với tổng quản lý trực tiếp…  Ban lãnh đạo gồm “bộ sậu” giám đốc kinh doanh, giáo dục, PR… đồng bộ, dạy dỗ chỉ bảo nhân viên từ những điều nhỏ nhất. Tương tự như vậy là thương hiệu M.M đến từ Nhật Bản… Đến nay thì sao? Câu trả lời là cả hai đều thất bại ở Việt Nam và phải ra về tay trắng. Một trong những nguyên nhân có thể thấy được nằm ở chỗ ngành tóc mang tính chất rất đặc thù. Không phải bạn cứ lấy giá rẻ, cạnh tranh ào ào là có thể thắng thế. Một bộ quần áo mặc không vừa còn có thể đổi lại hoặc cho đi nhưng mái tóc đã cắt rồi thì hoàn toàn không thể. Đây là ngành làm đẹp, mang tính nghệ thuật, thế nên những nghệ nhân tài năng, tâm huyết với nghề vẫn đắt khách và đắt giá. Tôi có một lời khuyên nữa là nếu bạn có ý định mở rộng mô hình thì đừng bao giờ làm một mình!

CGĐT Quốc Trung: 3 mô hình chúng ta bàn tới ở trên có cả thành công và thất bại, không có gì đảm bảo là chúng sẽ không tiếp tục hay được mở mang. Rất khó để khẳng định tính vĩnh viễn/bất biến của một mô hình hay tiêu chuẩn. Theo tôi nghĩ, tính thời điểm là cái quan trọng nhất. Chúng ta đang thảo luận ở hiện tại với góc nhìn tiến về phía trước lẫn đưa lại phía sau, quan sát cả mặt trái chiều lẫn thuận chiều. Nói chung, các mô hình chỉ mang tính tương đối. Dựa trên những thành quả ngày hôm nay, thế hệ trẻ sẽ được kế thừa, có thể rút ngắn thời gian để gặt hái thành công, có sức bật mạnh hơn những người đi trước nếu biết cách tận dụng. Ngược lại, đúng như các anh chị nói, chúng cũng sẽ chính là hố chôn thân nếu như họ ngộ nhận. Làm chủ hay làm thuê? Kinh doanh theo mô hình nào? Các bạn cần tỉnh táo lựa chọn và quyết định, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cả về tâm lý, phương tiện, tài chính, kiến thức… lẫn kỹ năng!