Mở tiệm làm tóc cần chuẩn bị những gì?

01:50 04/10/2019

 

Mở tiệm làm tóc cần chuẩn bị những gì?

Mở tiệm làm tóc, cắt uốn nhuộm, tạo kiểu tóc thời trang là ngành nghề không bao giờ lỗi mốt vì làm đẹp là nhu cầu muôn thuở. Doanh thu của ngành này cũng được cho là “một vốn bốn lời” vì vốn bỏ ra học cũng như mở tiệm ít mà thu nhập khá cao. Chưa kể những ngày cuối năm, khách rất đông và chủ tiệm có thể thu lãi khủng.

Bên cạnh đó, cắt uốn tóc là một nghề không quá khó, không cần trình độ học vấn cao, chỉ cần đôi bàn tay khéo léo cộng với sự chịu khó và tỉ mỉ. Đặc biệt, nghề “làm dâu trăm họ” đòi hỏi các tay thợ kéo phải biết chiều theo sở thích của khách hàng.

Nếu đang ấp ủ kế hoạch mở một tiệm làm tóc cho riêng mình thì dưới đây là những bước bạn phải chuẩn bị.

Phải yêu thích và có đam mê

Nghề làm tóc đòi hỏi người theo nghề phải có năng khiếu và đam mê. Không phải ai muốn là học được. Hãy tự hỏi bản thân xem mình có đam mê và có năng khiếu không? Phải yêu nghề và có đam mê mới thành công được. Nếu có đam mê thì học hỏi cũng sẽ nhanh hơn và có khả năng sáng tạo, phiêu với nghề. Đừng chỉ nghĩ đến tiền mà phải nghĩ đến khả năng của mình.

Dành thời gian, tiền bạc đi học nghề

Mở tiệm làm tóc phải có kiến thức và hiểu biết về nghề. Bạn có thể đi học nghề ở salon, các học viện làm tóc hoặc các trung tâm.

Thông thường, mỗi khóa học nghề thường kéo dài từ 2 tháng đến 1 năm, tùy theo khả năng của mỗi người. Tại các trung tâm dạy nghề, học viên sẽ được đào tạo một cách bài bản hơn với các môn học lý thuyết và thực hành kết hợp. Còn tại các tiệm tư nhân, học viên mới vào học sẽ được coi là người thợ phụ “sai vặt”, làm đủ thứ việc, từ gội đầu, dọn dẹp cửa hàng, đến làm “chân chạy” chuyên đi lấy thuốc hoặc các dụng cụ cho quán. Thời gian học ra nghề luôn tùy thuộc vào thầy và sự tỉ mỉ của người học.

Học phí tại các trung tâm học nghề thường dao động từ 700.000 – 3.000.000 đồng/tháng tùy vào chương trình học, vị trí làm việc và địa điểm học.

Học xong bạn nên làm thêm một thời gian cho tay nghề vững, nâng cao tay nghề và tích cóp vốn. Sau khi có nhiều kinh nghiệm sẽ một tiệm tóc nhỏ tự mình kinh doanh.

Nghiên cứu thị trường

Trước khi kinh doanh bạn phải dành thời gian nghiên cứu thị trường và đối tượng khách hàng tiềm năng. Bạn cần nghiên cứu độ tuổi, nhu cầu của đối tượng khách hàng mà bạn nhắm đến hoặc phổ biến ở khu vực bạn định kinh doanh để có thể đầu tư hợp lý về cửa hàng cũng như mua sắm trang thiết bị, nhập hàng chăm sóc tóc phù hợp. Cửa hàng phục vụ khách bình dân sẽ khác với đối tượng cao cấp…

Chuẩn bị vốn

Theo kinh nghiệm của nhiều người trong nghề, để mở một quán cắt tóc gội đầu thông thường có kèm theo dịch vụ sơn sửa móng tay đơn giản thì bạn chỉ cần số vốn tối thiểu là 30 – 40 triệu đồng.

Nếu mở một salon tóc với các trang thiết bị hiện đại và có cải tạo nội thất như dịch chuyển tường ngăn, lắp đặt hệ thống điện nước, ván sàn gỗ sẽ cần ít nhất là 300 triệu đồng.

Tùy vào số vốn chuẩn bị bạn chọn quy mô, hình thức kinh doanh phù hợp, thêm tiền thuê địa điểm, thuê nhân viên cũng như các chi phí phát sinh khác, khoản dự trù cho những tháng đầu chưa có lãi.

Chọn địa điểm kinh doanh

Mở tiệm làm tóc nên chọn địa điểm kinh doanh ở ngoài mặt đường, thuận tiện giao thông, gần chợ (có thể chợ cóc) hoặc khu dân cư đông đúc, khu văn phòng…

Vị trí đặt salon nên ở khu vực càng trung tâm, nhiều tòa nhà thương mại sầm uất càng tốt vì như vậy sẽ có đông người qua lại, mua sắm và chú ý đến salon của bạn. Tuy nhiên giá thuê ở khu vực này thường sẽ rất đắt, bạn cần cân đối ngân sách một cách hợp lý.

Ngoài ra, bạn cần đánh giá chính xác đối tượng khách hàng mà bạn hướng tới. Đôi khi, một địa điểm hơi khuất một chút nhưng gần các trường học, văn phòng cho thuê cũng rất tốt vì nếu làm chuẩn bạn sẽ xây dựng được một đội ngũ khách quen đông đảo.

Thiết kế, mua sắm trang thiết bị cho salon

Không gian salon tóc nên được thiết kế theo phong cách càng đơn giản càng tốt, tiện nghi, gọn gàng và thuận tiện cho thợ thao tác.

Một số trang thiết bị cơ bản mà bạn cần mua là chậu rửa, ghế tạo kiểu tóc, các loại máy sấy tóc, giá đẩy tay có bánh xe để dụng cụ làm tóc, bộ cắt giũa móng tay và áo choàng cắt tóc. Ban đầu chỉ cần mua những thứ thật sự cần thiết, khi bắt đầu có lợi nhuận hãy mua sắm thêm.

Ngoài ra, bạn nên lưu ý bố trí giá đựng báo và đặt một số tạp chí thời trang, làm đẹp trong salon sẽ khiến khách hàng không bị sốt ruột trong lúc chờ đợi, đây cũng sẽ là những gợi ý hay cho khách hàng, cũng như cho chính bạn, trong việc tìm kiếm những mẫu tóc thời trang.

Bạn cần bố trí đặt, treo những poster, ảnh mẫu tóc lên tường một cách hợp lý. Điều này sẽ hấp dẫn khách hàng và giúp họ có thêm những gợi ý khi tìm kiếm kiểu tóc phù hợp cũng như quảng cáo một cách khéo léo tay nghề, sở trường của bạn…

Nhập các sản phẩm chăm sóc tóc

Để nhập được các sản phẩm chăm sóc tóc với giá tốt và ổn định, bạn cần xây dựng mối quan hệ với các nhà phân phối sản phẩm.

Có rất nhiều hãng cung cấp sản phẩm, dụng cụ làm tóc. Bạn cần xây dựng mối quan hệ tốt với một nhãn hàng nào đó để đảm bảo nguồn hàng phục vụ cho salon. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm đại lý phân phối, bán lẻ các sản phẩm đó cho khách hàng tại salon.

Tiệm làm tóc cần thiết kế gọn gàng và thuận tiện cho thợ thao tác
Tiệm làm tóc cần thiết kế gọn gàng và thuận tiện cho thợ thao tác

Tuyển chọn và đào tạo nhân viên

Bạn nên tuyển những kỹ thuật viên, thợ tạo mẫu tóc có tay nghề tốt, được đào tạo bài bản và có kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng.

Thêm nữa, bạn nên tuyển những người có ý định gắn bó lâu dài với công việc này, những người sinh sống ổn định gần nơi bạn đặt salon vì dễ dàng giữ chân họ hơn, tiết kiệm chi phí cho việc đào tạo.

Đăng ký kinh doanh

Kinh doanh cắt tóc được xếp vào nhóm hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, bạn cần làm thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể theo quy định của pháp luật Việt Nam và đăng ký thuế hộ kinh doanh theo quy định. Bạn gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Số vốn kinh doanh;

d) Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao Giấy chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Đối với những ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo các giấy tờ quy định phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.

Đối với những ngành, nghề có vốn pháp định phải có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định;

c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

Lên bảng giá cụ thể và chi tiết dịch vụ làm tóc

Bạn nên có bảng giá cụ thể trong tiệm để mọi người đều được biết. Bảng giá càng được ghi rõ ràng từng loại hình như cắt, uốn, nhuộm, duỗi… thì khách hàng càng có được sự tin tưởng vào tiệm. Và họ có thể tự chọn một loại hình dịch vụ phù hợp với khả năng mà không sợ bị thâm hụt ngân sách khi ra về.

Tiếp thị, quảng cáo cho tiệm làm tóc

Bạn cần phải quảng cáo cho tiệm làm tóc để thu hút nhiều khách hàng hơn. Bạn có thể phát tờ rơi, bảng giá cho tất cả các hộ dân trong vùng, đưa ra những dịch vụ khuyến mại hấp dẫn đi kèm. Ví dụ như cắt tóc lần đầu sẽ được giảm 50% giá cho lần cắt tiếp theo…

Bên cạnh đó nên lập website chuyên nghiệp, quảng cáo trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo, các diễn đàn… để kéo thêm nhiều khách đến tiệm. Tất nhiên chất lượng là yếu tố hàng đầu để giữ chân khách sau khi đã kéo họ đến được với cửa hàng của bạn.